|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Tên đơn vị: Uỷ ban nhân dân xã Ngọc Vân - huyện Tân Yên. Địa điểm trụ sở: Nằm trên 2 thôn Đồng Khanh và Đồng Trống Quá trình thành lập:

1. Quá trình hình thành xã Ngọc Vân

Vùng đất Ngọc Vân sớm đã có con người đến lập nghiệp. Tên lúc mới hình thành là xã Thúy Cầu xuất hiện khá sớm, thuộc tổng Vân Cầu, phủ Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Cuối thế kỷ XIX, xã đã có các xóm An Bài, Đồng Bông, Đồng Trống, Đồng Hội, Đồng Khanh, Nghè Nội, làng Sanh, Đồng Gai, làng Sai, Đồng Cạn, làng Thị. Sau khi thực dân Pháp đưa quân đánh chiếm, các địa chủ Pháp đã chiêu mộ nhân dân ở các nơi lên đây khai phá, lập ấp. Nhưng phải tới sau khi dập tắt được cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, đặc biệt là trong cuộc khai thác thuộc địa lần 2, thực dân Pháp huy động nhân dân các nơi đi phu xây dựng đập Thác Huống và hệ thống thủy nông sông Cầu, sau đó nhiều người đã ở lại. Khi công trình này được sử dụng một diện tích lớn đất đai được canh tác. Làm cho số người định cư ngày một đông lên, hình thành các trại, ấp mới, nhiều xóm trở thành làng.

Trong Cách mạng tháng Tám, trên đất Thúy Cầu hình thành ra hai xã, một xã vẫn là Thúy Cầu gồm các làng Hạ, Lương Tân, Nghè Mẫn, Hội Phú, Đồng Trống, Vân Ngò, An Bài, Làng Sai, Làng Thị, Cầu Đá, Làng Xanh và Đồng Cạn; một xã là Ngọc Vân gồm có Đồng Bông, Hồ Chính, Suối Dài, Nghè Nội, Đồng Gai, Đồng Cờ.

Sau đó, Ngọc Vân và Thúy Cầu sáp nhập vào thành xã Thúy Cờ. Đầu năm 1946, Thúy Cờ sáp nhập với Ngọc Cụ và Vân Cầu thành một xã mới lấy tên là Hồng Kiều. Xã Hồng Kiều gồm 6 thôn lớn: Thúy Cầu, Đồng Cờ, Vân Cầu, Ngọc Cụ, Vân Nham và Việt Hùng.

Tháng 10 năm 1954, Hồng Kiều tách ra làm 3 xã: Ngọc Vân, Việt Ngọc và Song Vân.

Ngày 6 tháng 11 năm 1957, huyện Yên Thế tách ra làm 2 huyện Yên Thế và Tân Yên, Ngọc Vân và các xã vùng thấp thuộc huyện Tân Yên.

Trong thời gian từ 1963 đến 1996, Bắc Giang và Bắc Ninh hợp nhất thành tỉnh Hà Bắc, Ngọc Vân thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Hà Bắc. Nghị quyết của Quốc hội khóa IX kỳ họp thứ X ngày 6 tháng 11 năm 1996 về việc chia tách tỉnh Hà Bắc thành hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, đến ngày 1 tháng 1năm 1997, tỉnh Bắc Giang chính thức đi vào hoạt động, xã Ngọc Vân thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Ngày nay, Ngọc Vân gồm các thôn: Đồng Bông, Hồ Chính, Suối Dài, Đồng Gai, Đồng Cờ, Nghè Nội, Hội Phú, Đồng Khanh, Đồng Trống, Cầu Đá, Đồng Ngò, Đồng Sùng, Làng Thị, Đồng Cạn, Làng Sai, Hợp Tiến, Núi Ính, Làng Mới, Tân Lập, Lương Tân, Đồi Chùa, Phú Cường, Hội Trên, Hội Dưới.

2. Đặc điểm tự nhiên

Ngọc Vân nằm ở phía Tây của huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, phía Đông giáp xã Song Vân, Ngọc Thiện; phía Tây giáp xã Việt Ngọc và Lương Phong (Hiệp Hòa); phía Bắc giáp xã Song Vân; phía Nam giáp xã Việt Tiến (Việt Yên). Ngọc Vân có diện tích tự nhiên là 11,08 km2, dân số là 8.071 người (theo thống kê năm 2000). Có chiều dài từ Bắc xuống Nam 4,75 km và chiều rộng Đông sang Tây 3,05 km. Xã có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng, kinh tế của huyện, cách huyện lỵ Tân Yên 10 km, có đường 295 chạy xuyên suốt xã nối thông các đường liên tỉnh, đường liên thôn, liên xã với các đường quốc lộ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa với các vùng khác. Do chú trọng đầu tư xây dựng, đến nay đường dân sinh trong xã đã tới các thôn ấp, cho phép các phương tiện vận tải đường bộ dễ dàng tới từng hộ dân phục vụ sản xuất và đời sống.

Là xã nằm trong vùng trung du tiếp giáp giữa vùng núi và đồng bằng, Ngọc Vân có địa hình khá đa dạng. Qua quá trình kiến tạo địa chất, vùng đất Ngọc Vân có nhiều đồi, núi bên các cánh đồng bằng phẳng, các con ngòi nhỏ tạo nên cảnh quan sinh động của một vùng sơn thủy hữu tình. Trong tổng diện tích 190,92 ha đất đồi bãi, diện tích mặt nước có 6 ha. Xã có hai ngòi chảy hai bên sườn; phía Nam là núi Ba Cây, và các vùng đồi thấp phía Đông Bắc cho phép Ngọc Vân phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp đa dạng, kết hợp trồng trọt với chăn nuôi.

Xưa kia, đây là vùng đồi núi rậm rạp, hoang vu, thời tiết khắc nghiệt, có nhiều muông thú sinh sống như hươu, nai, hổ, báo... Nhưng, với địa lý tự nhiên thuận lợi, nơi đây đã sớm thu hút được con người dừng chân lập nghiệp, lập làng.

Trải qua quá trình khai phá, cải tạo, đến nay Ngọc Vân có những cánh đồng phì nhiêu với hệ thống mương máng tưới tiêu khá hoàn chỉnh, đưa nước từ hệ thống nông giang sông Cầu và các đập thủy lợi vào đồng ruộng, cho phép nhân dân chủ động thời vụ, nâng cao hệ số sử dụng ruộng đất, tăng năng suất cây trồng.

3. Đặc điểm văn hóa - xã hội

Theo tài liệu điền dã, một vài thế kỷ trước đây chỉ có vài chục nóc nhà sống rải rác trong vùng đồi núi rậm rạp. Đến năm 1927, trên vùng đất Ngọc Vân mới có 185 người, đến trước Cách mạng tháng Tám số dân tăng lên 1.013 người, với 63 hộ ở các làng cũ và dân tá điền ở các trại ấp. Các dòng họ bản địa là: họ Đoàn, họ Ninh, Nguyễn, Bùi, Ngô, Lưu. Quá trình tụ cư diễn ra chậm chạp. Phải đến thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, số ngưới tới định cư tăng nhanh hơn, hình thành các trại, ấp sau lớn lên thành làng (tản cư đến). Đến năm 1954, xã có 1.768 nhân khẩu, và đến năm 1981 tăng lên 5.054 người với 1.094 hộ. Đến ngày 15 tháng 6 năm 2016, xã có 9.885 nhân khẩu. Dân mới tới định cư bao gồm nhiều họ: Trần, Nguyễn, Lê... Ngọc Vân có quá trình hình thành, tụ cư lâu dài gồm nhân dân sở tại và nhân dân nhiều địa phương khác tới định cư, nhưng trong cuộc sống sinh hoạt và sản xuất nhân dân các làng xã luôn đoàn kết, chung lưng đấu cật xây dựng quê hương Ngọc Vân giàu đẹp. Sự hội nhập đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa chung rất quý báu, mang những nét đặc trưng riêng của cư dân nơi đây. Do là vùng bán sơn địa, từ xa xưa nhân dân Ngọc Vân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp trồng lúa nước, nên nhân dân luôn có tinh thần tương thân, tương ái, gắn bó chặt chẽ với nhau trong quá trình tồn tại và phát triển.

Trước Cách mạng tháng Tám mặc dù đất rộng, người thưa, nhưng sự áp bức, bóc lột tàn nhẫn của phong kiến thực dân, trình độ sản xuất nông nghiệp hết sức thấp kém, kỹ thuật thô sơ, phương thức canh tác lạc hậu, nên đời sống nhân dân rất bấp bênh, nền kinh tế vẫn mang tính tự cấp tự túc, khép kín, kém phát triển. Trong điều kiện ấy, các thế hệ người dân Ngọc Vân đã ra sức khoanh vùng, khoanh thửa, làm thủy lợi, cải tạo đồng ruộng, chinh phục thiên nhiên. Chính điều đó đã cố kết cộng đồng dân cư lại trong tình làng nghĩa xóm với một tình cảm thật thà, đôn hậu, thủy chung.

Người dân Ngọc Vân thông minh, sáng tạo, siêng năng trong lao động sản xuất, đồng thời rất kiên cường, anh dũng trước kẻ thù, với tinh thần thượng võ cao cả.

Qua thực tiễn cuộc sống hiện tại và các tư liệu văn hóa dân gian còn lại cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương. Đặc biệt sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân gian được tổ chức khá công phu và long trọng như hội làng, hội chùa, tế lễ, các trò chơi giải trí thể hiện tinh thần thượng võ, trí tuệ như đấu vật, đánh đu, chơi cờ người...

Trong xã, nhiều thôn có đình, chùa, miếu, nghè. Xã có 3 ngôi đình: Đình làng Sai, đình Thúy Cầu và đình Nội, nay chỉ còn đình Nội là nguyên vẹn. Trong đình thờ Thành hoàng, Thổ địa, Sơn Thần. Tháng 9 hằng năm dân làng xã Thúy Cầu cũ tổ chức việc làng làm lễ, giao lưu, thăm hỏi vui vẻ và đón các gánh hát tới biểu diễn để giải trí. Hai ngôi chùa là chùa Sai và chùa Thúy Hạ, chùa Sai đã di chuyển sang vị trí khác, nay chỉ còn chùa Thúy Hạ là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng. Hàng năm chùa tổ chức hội 1-2 ngày với nhiều hoạt động văn hóa.

Nhân dân chủ yếu là thờ cúng tổ tiên và tổ chức các ngày lễ tết hàng năm theo phong tục của cư dân trồng lúa nước: tết Nguyên Đán, 5-5, 10-10...

Ngọc Vân là vùng quê có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Mặc dù trước năm 1938 cả vùng không có trường học nào, nhưng các gia đình có điều kiện đều mời các thầy đồ về dạy chữ Hán Nôm cho trẻ nhỏ. Từ sau năm 1938, với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ, tổng Vân Cầu có 2 trường ở Vân Cầu và Ngọc Cụ, có 4 người Vân Cầu dự học các lớp này. Đến nay, Ngọc Vân đã hoàn thành phổ cập tiểu học, nhiều người dân học hết cấp III, đại học, có người có học vị thạc sĩ, tiến sĩ.

Với bề dày lịch sử lâu đời, sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, truyền thống quê hương được lắng đọng, hun đúc trong nguồn chảy lịch sử, tạo nên sức mạnh lớn lao, đưa Ngọc Vân vượt qua mọi thử thách, chông gai để phát triển đi lên.

Đình Nội: Đình thuộc làng Thị, xây dựng năm Minh Mệnh thứ 2 (1821). Thành hoàng thờ ở đình là đức thánh Quý Minh. Đình có kiến trúc hình chữ Nhất  gồm 3 gian 2 chái, xây dựng bình đầu bít đốc, 4 góc là cột đồng trụ lớn. Các vì mái thượng con chồng hạ cốn, 4 hàng chân cột. Các con chồng, đấu kê đều chạm kênh bong. Tường đình xây gạch đá ong to bản. Hội lệ hằng năm mở vào ngày 8 đến 10 tháng giêng.

Chùa Nội thuộc làng Thị: Được khởi dựng dưới thời Nguyễn. Chùa cũ đã bị phá, chỉ còn một số tượng. Đầu năm 1998, dân làng đã xây dựng lại gồm tiền đường 3 gian 2 chái, Phật điện 3 gian, vì  mái kết cấu thượng rường hạ kẻ, bằng gỗ bạch đàn, 2 hàng chân cột. Hệ thống tượng Phật mới được tạo tác. Hội lệ hằng năm được mở vào các ngày 8 đến 10 tháng giêng, chùa tiếp tục được tu sửa năm 2014.

Nghè làng Thị: Khởi dựng vào thời Nguyễn. Nghè thờ đức thánh Cao Sơn, Quý Minh. Nghè gồm 3 gian tiền tế vòm cuốn, trổ cửa gian giữa, tường hoa chắn mái theo kiểu tam môn, 2 hồi có cột đồng trụ. Hậu cung chỉ có 1 gian cũng cuốn vòm lên tận nóc, đặt ban thờ, bát hương. Lối kiến trúc này mới có từ năm 1970. Trước đây, nghè có các vì mái thượng rường hạ kẻ, 4 hàng chân cột, xây bít đốc nhưng đã bị hư hại.

Chùa Sai: Chùa thuộc thôn làng Sai. Chùa được xây dựng vào thời Nguyễn. Chùa bị san ủi vào năm 1976. Năm 1996, dân làng xây dựng lại ở giữa làng gồm 5 gian tiền đường, 2 gian Phật điện, bổ cột đồng trụ, xây dựng bình đầu bít đốc. Các vì mái kết cấu thượng con chồng, trụ giá chiêng, hạ kẻ, 4 hàng chân cột, lại xây dựng cầu vồng nối với nhà mẫu phía sau. Hệ thống tượng gồm các pho Tam Thế, A Di đà, Ngọc hoàng, Thích Ca sơ sinh đều là tượng mới. Hai bên tiền đường có tượng Đức Ông, Thánh Hiền. Hội lệ được mở vào rằm tháng giêng hằng năm. Đến nay tiết lệ tổ chức ngày 9 đến 10 tháng 2. Chùa được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận di tích lịch sử văn hóa năm 2012.

Đình thôn làng Sai: Được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII, thờ thành hoàng là Quý Minh. Đình cũ bị phá năm 1976. Dân làng đã xây dựng lại năm 1994, đưa về giữa làng, gồm tiền đình 3 gian 2 chái, hậu cung 2 gian tạo thành bố cục chữ Đinh, xây bình đầu bít đốc. Các vì mái thượng con chồng trụ giá chiêng, hạ kẻ, 4 hàng chân cột. Đồ thờ chỉ còn long ngai, bài vị. Hội lệ hằng năm mở vào ngày rằm tháng Giêng. Hiện nay tổ chức ngày 9- 10 tháng 2. Đình được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận di tích lịch sử văn hóa năm 2012.

Đình Thuý Cầu: hiện thuộc thôn Phú Cường

Chùa Thuý Cầu hiện thuộc thôn Đồi Chùa, đã được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử văn hóa.

 

Bản đồ Xã Ngọc Vân Bản đồ Xã Ngọc Vân

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7,717
Tổng số trong ngày: 559
Tổng số trong tuần: 6,034
Tổng số trong tháng: 23,602
Tổng số trong năm: 81,669
Tổng số truy cập: 219,622